UI là giao diện mà người dùng qua đó có thể tương tác được với sản phẩm, website hoặc ứng dụng.
UI – viết tắt của cụm từ User Interface – là thành phần quan trọng khi thiết kế sản phẩm.
Mặt khác, doanh nghiệp hiện nay cũng ít chú tâm đến UI trong quá trình phát triển thương hiệu. Họ cho rằng thiết kế UI là quá trình tốn nhiều thời gian, công sức và không cần thiết ở thời điểm hiện tại.
Nhưng họ không biết rằng, UI ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình trải nghiệm của khách hàng với thương hiệu. Dựa trên nghiên cứu từ Forrester Research, một website có giao diện người dùng tốt sẽ gia tăng tỷ lệ chuyển đổi lên đến 200%.
Điều này đồng nghĩa thương hiệu sẽ đạt được nhiều lợi ích nếu đầu tư vào UI. Thế nhưng UI là gì và chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

UI là gì?
UI – User Interface, tạm dịch là giao diện người dùng, là các thành phần được hiển thị trực quan trên một sản phẩm kỹ thuật số. Những sản phẩm này bao gồm website, ứng dụng hoặc các thiết bị điện tử.
Về cơ bản, chúng ta có thể hiểu UI là sự liên kết giữa người dùng và chức năng của sản phẩm. UI giúp đạt được kết quả cuối cùng thông qua một loạt tương tác giữa người dùng và máy. Người dùng sẽ truyền đạt nhu cầu, mong muốn của họ và sản phẩm sẽ đưa ra giải pháp cho những nhu cầu, mong muốn đó.
Về mặt đồ họa, UI là sự tích hợp của nhiều yếu tố như: hệ thống lưới, layout, typography, màu sắc, hoạt ảnh, hình khối,… Chúng kết hợp với nhau để tạo ra sự thu hút về thị giác cũng như hỗ trợ việc sắp xếp thông tin theo một trật tự cụ thể. Một ví dụ chắc hẳn bạn đã quen thuộc là những nút cảm xúc của Facebook. Mỗi cảm xúc từ yêu thích, vui vẻ đến buồn bã, phẫn nộ và ngạc nhiên đều sẽ được thể hiện bằng các biểu tượng khác nhau.
Về mặt tương tác, UI là cách chúng ta tương tác với sản phẩm nhằm đạt được mục đích sử dụng của mình. Tiếp tục với ví dụ về Facebook. Làm sao để bạn thể hiện được cảm xúc của mình với một bài đăng? Đơn giản. Chỉ cần ba bước sau là bạn đã cho thế giới biết mình ủng hộ hay căm ghét trạng thái của một diễn viên nào đó. Đầu tiên, bạn nhấn và giữ vào biểu tượng “Like”, tiếp theo, bạn chọn hình cảm xúc phù hợp và cuối cùng là thả tay ra. Đó là cách người dùng tương tác với sản phẩm thông qua UI.
UI tác động mạnh mẽ đến trải nghiệm mà người dùng có được khi sử dụng sản phẩm. Một website hay ứng dụng có UI kém hiệu quả có thể khiến khách hàng đổi sang những phương án thay thế khác ngay lập tức. Chính vì lý do này mà ngày nay vai trò của UI Designer trở nên rất quan trọng.
UI là gì: Vì sao UI quan trọng?
Theo cuộc khảo sát từ Finances Online, 90% người tham gia phỏng vấn cho biết họ sẽ thoát khỏi một trang web nếu giao diện web có thiết kế xấu, nghĩa là tỷ lệ này còn chưa tính đến những yếu tố như tốc độ tải trang, luồng điều hướng người dùng,..
90% là một con số rất cao, nhưng lại hợp lý nếu chúng ta xét trong bối cảnh hiện tại. Người dùng hiện nay đang có quá nhiều lựa chọn và do đó, quyền sử dụng hoặc không sử dụng một trang web, ứng dụng là của họ. Chưa bàn đến những điều sâu xa, nguyên nhân đầu tiên khiến UI quan trọng là vì nó ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng, tức UX.
Những yếu tố như bố cục, màu sắc, typography, luồng điều hướng đều ảnh hưởng đến một người sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Nếu chúng khó hiểu và kém hiệu quả, người dùng sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện tác vụ của mình, họ sẽ mắc nhiều lỗi hơn và tất cả dẫn đến một trải nghiệm tiêu cực.
Thế nào là một UI hiệu quả?
UI hiệu quả phải sáng tạo
Sáng tạo là yếu tố hàng đầu trong mọi công việc thiết kế, trong đó có giao diện người dùng. Sự sáng tạo giúp UI sản phẩm của thương hiệu trở nên khác biệt và mang lại giá trị cho người dùng. Nhưng sáng tạo không thể không đi kèm với tính hiệu quả. Tác dụng ngược có thể xảy ra nếu designer tập trung sáng tạo mà không quan tâm đến vấn đề thật sự của người dùng.
Có những thứ vài năm trước không ai nghĩ đến nhưng đã trở nên hiển nhiên ở thời điểm hiện tại. Một ví dụ nổi tiếng là tính năng “Kéo để làm mới” trên các ứng dụng mạng xã hội trên thiết bị di động. Đây là một tính năng hoàn toàn mới vào thời điểm ra mắt. Nó vừa tự nhiên một cách kỳ lạ, và cũng rất thú vị để tải lại trang nội dung. Tính năng này gần như vô hình, nhưng nó đã xâm nhập vào vô số sản phẩm khác.
Đừng đổi mới chỉ vì mục đích “phá cách”, hãy suy nghĩ xem liệu những thay đổi của mình sẽ tác động đến người dùng như thế nào và liệu họ có cần đến nó không.

UI hiệu quả khiến sản phẩm dễ sử dụng
Tính dễ sử dụng là nền tảng của UX. UI hỗ trợ điều đó trong sự rõ ràng của thiết kế.. Những typeface khó đọc, bố cục không rõ ràng hay luồng điều hướng không hợp lý đều ảnh hưởng đến tính dễ sử dụng của sản phẩm. Như trường hợp Vũ đã chia sẻ ở trên, một trang web chèn quảng cáo nhưng lại cố tình ẩn đi nút tắt sẽ khiến người dùng gặp khó khăn khi trải nghiệm.
Những chi tiết tuy nhỏ như thế lại có ảnh hưởng lớn trong giao diện. Hãy làm ra những sản phẩm mà ngay cả những người biết rất ít về công nghệ vẫn có thể sử dụng được.

UI hiệu quả có tính thẩm mỹ
Thẩm mỹ là một khái niệm mang tính chủ quan. Một trang web người này cho là đẹp với người khác có khi lại là xấu. Tuy nhiên, một điều gần như không thay đổi trong thiết kế UI là tính thẩm mỹ của sản phẩm thường xuất phát từ sự hòa hợp của các yếu tố cấu thành nên nó.
Những yếu tố này bao gồm hệ thống lưới, typography, không gian âm, layout,… Mọi sản phẩm và giao diện được thiết kế dựa trên những nguyên tắc phổ quát đều sẽ trông hợp mắt hơn là những sản phẩm được tạo ra ngẫu nhiên. Những nguyên lý thị giác như tương phản (contrast), kế cận (proximity), phân cấp (hierarchy),… đều nên được áp dụng trong thiết kế giao diện người dùng.

UI hiệu quả tồn tại lâu dài
Một sản phẩm với giao diện tốt sẽ hiếm khi phải thay đổi quá nhiều, ngay cả khi có sự thay đổi lớn trong xu hướng thiết kế. Những phiên bản cập nhật của Facebook hay Youtube đa phần là cải tiến lại những tính năng để phù hợp hơn với nhu cầu của người dùng, rất ít trường hợp họ phải “đập đi xây lại” toàn bộ sản phẩm của mình.
UI hiệu quả khiến sản phẩm dễ hiểu
Tính dễ hiểu là sự tổng hợp của khả năng dễ đọc, sự phân tầng thông tin và loại nội dung phù hợp. Dễ hiểu cũng là một yếu tố tác động mạnh đến quá trình trải nghiệm của người dùng.
UI hiệu quả phải trung thực
Tính trung thực trong thiết kế UI được thể hiện qua các biểu đồ, thống kê. Không nên thể hiện những con số không đúng với sự thật nhằm lôi kéo khách hàng. Thương hiệu sẽ gặp rắc rối lớn nếu khách hàng phát ra mình đang bị lừa dối. Vì vậy tốt nhất hãy cứ trung thực trong thiết kế.
UI hiệu quả chú ý đến từng chi tiết
UI Designer cần chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất khi thiết kế giao diện người dùng. Một vài lúc chúng ta sẽ mãi tập trung vào màu background, thanh điều hướng hoặc sitemap,… và lại bỏ quên đi các chi tiết khác. Những yếu tố như dấu “X” bỏ qua, hay nút “Bấm để làm mới’ không nên bị xem như các yếu tố phụ. Các tương tác vi mô (micro interactions) như thế mới chính là những thứ tạo nên trải nghiệm khi người dùng sử dụng sản phẩm. Hãy đóng vai người dùng và suy nghĩ xem mình có thể làm gì để cải thiện trải nghiệm của họ.
UI hiệu quả thân thiện với môi trường
Ngay cả những sản phẩm điện tử cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường theo những cách riêng của chúng. Tất nhiên hệ quả có thể không đến ngay lập tức như các tác động vật lý, nhưng UI Designer cũng nên tính toán đến việc tiêu thụ năng lượng của một server và tìm ra những giải pháp tối ưu nhất để khiến ứng dụng hoặc web tải nhanh hơn.
UI hiệu quả là thiết kế tối giản hết mức có thể
Càng đơn giản càng đẹp. Nguyên tắc này đang dần trở thành một nguyên tắc chung khi thiết kế. Người dùng có xu hướng dành nhiều thiện cảm cho những trang web theo phong cách ‘tối giản’, tức là càng ít chi tiết càng tốt, chỉ giữ lại những tính năng thật sự cần thiết. Chúng ta có thể liên hệ đến nguyên tắc không phô trương ở trên. Hãy tập trung vào hình dạng, màu sắc, nội dung,… và lược bỏ những thứ có thể gây xao nhãng cho người dùng.
